Hình ảnh cặp đôi cùng nhau cắt bánh thể hiện sự đồng lòng, và từ giây phút này, họ bắt đầu cuộc hành trình cùng nhau chung sống, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và niềm vui trong hôn nhân. Sau khi cắt bánh, nghi thức rót rượu champagne tràn ly tượng trưng cho hạnh phúc tròn đầy, và giọt rượu hồng rực rỡ thể hiện tình yêu nồng nàn của đôi vợ chồng. Tuy nhiên, với sự thay đổi của thời đại, nhiều cặp đôi lựa chọn thay thế những nghi thức này bằng các hoạt động mới mẻ, thú vị nhưng vẫn đầy ý nghĩa.
Nhúng lẩu bò thay nghi thức cắt bánh kem
Trong đám cưới của mình, anh Tùng và chị Hoa đã thay vì cắt bánh kem, cùng nhau thực hiện nghi thức nhúng lẩu thịt bò. Trong lúc thưởng thức món ăn đặc biệt này, họ trao nhau lời cam kết sẽ sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Nghi thức này mang ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với kỷ niệm họ gặp nhau và cũng thể hiện niềm tự hào của anh về nghề kinh doanh lẩu, mong muốn giới thiệu đến các khách mời. Chú rể tự tay nhúng lẩu bò cho vợ thưởng thức, khiến các khách mời không khỏi ngạc nhiên và thích thú.
Ngoài việc chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ với khách mời, nghi thức này còn mang thông điệp về việc vợ chồng sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, san sẻ niềm vui và chăm lo cho nhau. Anh chọn loại thịt bò Kobe – một loại thịt cao cấp, nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam, mong muốn vợ chồng có một cuộc sống đủ đầy và những bữa ăn chất lượng.
Nghi thức ngâm rượu thay nghi thức rót rượu vang
Nghi thức rót rượu trong tiệc cưới không chỉ là việc rót rượu, mà còn mang đậm ý nghĩa và thú vị hơn. Thay vì rót tháp rượu như nhiều đám cưới thực hiện thì chỉ cần một chiếc bình thủy tinh chứa đầy lời chúc phúc và chữ ký của các khách mời trước buổi tiệc, bên trong là những vị thuốc ngâm rượu như Hà thủ ô, Hồng táo, Đan sâm, Toan táo nhân, Ngọc trúc, Câu kỷ tử… vừa bổ dưỡng vừa thơm ngon.
Thay vì chỉ để trưng bày tháp rượu thì đến dịp kỷ niệm ngày cưới, tổ chức một buổi tiệc nhỏ, mời những người bạn thân thiết và mở chiếc bình rượu năm đó ra cùng thưởng thức thì còn gì tuyệt vời hơn. Hãy đặt ở lối vào tiệc cưới chiếc bình và bút lông để mọi người có thể ký và chúc phúc lên chiếc bình thêm ý nghĩa.
Nghi thức đổ trà sữa thay nghi thức đổ rượu vang
Càng ngày các bạn trẻ lại càng sáng tạo hơn, biến tấu các nghi thức trong tiệc cưới theo cách rất ý nghĩa, mang đậm dấu ấn cá nhân. Điển hình như việc thay thế nghi thức rót rượu vang bằng rót trà sữa, một món đồ uống yêu thích của nhiều người. Do thông thường, loại rượu vang sau khi rót xong chủ yếu tượng trưng, còn nếu sử dụng trà sữa như vậy thì mọi người tới dự lễ cưới có thể cùng uống chung vui vì có rất nhiều người thích trà sữa.
Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị bình đựng ở bàn đón khách và chuẩn bị thêm những cây bút lông để khách có thể ký tên lên làm kỷ niệm. Đây không chỉ là một nghi thức mới lạ và độc đáo mà còn tạo ra một không gian ấm cúng, gần gũi cho ngày cưới của bạn.
Nghi thức trồng cây trong đám cưới
Nghi thức trồng cây đang trở thành một trong những lựa chọn thay thế sáng tạo cho nghi thức cắt bánh cưới. Thay vì cắt bánh và chia sẻ miếng bánh ngọt, cặp đôi có thể cùng nhau trồng một cây cảnh, hoa hoặc thậm chí là một cây bonsai. Đây là một nghi thức mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho việc chăm sóc, vun đắp và nuôi dưỡng tình yêu qua thời gian. Thay vì thực hiện nghi thức cắt bánh cưới như thông thường, nhiều cặp đôi chọn cách trồng cây xanh với mong muốn hôn nhân được vun đắp và tươi tốt từng ngày.
Cây cảnh không chỉ đẹp mà còn mang lại sự sinh động và tươi mới cho không gian lễ cưới. Những người tham dự có thể tham gia vào nghi thức này bằng cách tặng cây hoặc hoa cho cô dâu chú rể, thể hiện sự chúc phúc và mong muốn tình yêu của cặp đôi sẽ phát triển mạnh mẽ như cây cối đang nở hoa.
Nghi thức góp gạo thổi cơm chung
Trong đám cưới của cô dâu Khánh Chi và chú rể Trọng Khang (Hà Nội) đã mang gạo và nồi cơm điện lên sân khấu nấu, thay vì nghi thức cắt bánh cưới và rót rượu thông thường. Trên sân khấu, trước sự chứng kiến của mọi người, cô dâu đã đổ gạo vào nồi, còn chú rể thêm nước, cả hai cùng nhau nấu cơm, hiện thực hóa câu nói quen thuộc “góp gạo thổi cơm chung”.
Nghi thức "góp gạo thổi cơm chung" mang một ý nghĩa sâu sắc về sự đồng lòng, chia sẻ trong cuộc sống hôn nhân. Trong văn hóa dân gian, "gạo" là một trong những yếu tố quan trọng, tượng trưng cho sự sống và hạnh phúc. Việc cùng nhau góp gạo thổi cơm chung thể hiện sự hòa hợp giữa hai người, sự gắn kết trong cuộc sống gia đình, nơi mỗi người đều đóng góp phần sức lực, tâm huyết để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.
Nghi thức đổ cát thay cho nghi thức cắt bánh cưới
Nghi thức đổ cát là một nghi thức mới được nhiều đôi uyên ương lựa chọn thay thế cho nghi thức cắt bánh trong tiệc cưới. Nghi thức đổ cát tượng trưng cho sự kết hợp bền chặt giữa hai cá nhân, với mỗi người nắm giữ một hũ cát riêng, rồi đổ chung vào một hũ lớn. Điều này thể hiện sự hòa hợp và cùng nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, gắn kết. Sau khi cát đã được đổ đầy, hũ cát sẽ được giữ lại như một kỷ niệm đẹp về tình yêu và sự gắn bó. Nghi thức này không chỉ mang ý nghĩa về tình yêu mà còn thể hiện sự khởi đầu mới mẻ trong hành trình hôn nhân.
Đám cưới là ngày vui của đôi bạn, hãy khéo léo chọn lựa thêm hay thay các nghi thức cưới truyền thống bằng nghi thức cưới phù hợp để ngày trọng đại thêm phần ý nghĩa. Hy vọng với những gợi ý nghi thức cưới mới lạ thay nghi thức cắt bánh cưới, rót rượu ở trên từ Cưới hỏi Việt Nam sẽ giúp đôi bạn có thêm những ý tưởng độc đáo cho đám cưới của mình.