Tổ chức đám cưới trong chùa trước đây đối với nhiều người là chuyện khá lạ nhưng hiện nay việc tổ chức trong chùa lại được nhiều bạn trẻ cũng như những cặp đôi đạo Phật lựa chọn.
Lễ cưới trong chùa được gọi là lễ Hằng thuận đã mang đến cho các bạn trẻ một trải nghiệm đặc biệt: cùng quỳ gối, chắp tay tĩnh tâm nghe nhà sư giảng dạy đạo làm vợ, làm chồng, làm con dâu, con rể… hướng cho các bạn trẻ tới một gia đình tâm linh, gìn giữ đạo đức truyền thống của dân tộc, hạnh phúc hài hoà về mọi mặt. Vậy vì sao kết hôn trong chùa gọi là lễ Hằng thuận mà không gọi là lễ cưới?
Hằng là mãi mãi, thường xuyên, luôn luôn; thuận là hòa hợp, thuận thảo, yên ấm; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng.Hằng thuận là vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, cha mẹ và con cái; hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát chánh đạo
Ý nghĩa đầu tiên có thể nói, trong buổi lễ Hằng thuận, Quý phật tử là cô dâu, chú rể tự phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tiến đến tu hành thập thiện, đồng thời trau dồi bốn đức hạnh từ – bi – hỷ – xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiêm khắc với mình, khoan dung độ lượng với người, suy nghĩ điều chánh đáng, nói lời chánh ngữ, hành nghiệp chánh nghiệp
Đó là những việc làm đạo đức căn bản vô cùng quan trọng để xây dựng hạnh phúc gia đình trên cơ sở “hiểu” và “thương”, đồng thời là nền tảng các phương pháp nuôi dạy con cái ngoan hiền, thuận thảo. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật cũng nhấn mạnh rằng một người phụ nữ thực hiện thật tốt đạo làm vợ thì “Sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú thiên giới”. Như vậy, chính ngay nơi đạo vợ chồng, nếu mỗi bên thực hiện đầy đủ các bổn phận thì vẫn có thể được ngay quả phước sanh thiên, chứ chưa cần nói đến công quả do tu thập thiện.
Trong ngày vui trọng đại và trang nghiêm này, chú rể và cô dâu trao nhau đôi nhẫn cưới tròn trịa thể hiện niềm hạnh phúc viên mãn. Ý nghĩa cao đẹp, biểu trưng cho cách cư xử trên tinh thần nhường nhịn yêu thương, tương kính lẫn nhau trong đời sống vợ chồng của chiếc nhẫn cưới cũng được các vị hòa thượng giảng giải, phân tích cặn kẽ, sâu sắc để đôi bạn trẻ nhận thức được giá trị nhân văn của món đồ này mà lắng nghe, nhún nhường, và cảm thông cho nhau khi trên đôi tay luôn có sự hiện hữu của chúng.
Điều có ý nghĩa rất quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc suốt cuộc đời cặp đôi trẻ là Lễ Hằng thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể được quý Thầy tận tình hướng dẫn, giảng giải đạo lý vợ chồng trong cuộc sống như lời đức Phật dạy trong Kinh Ca Thi La Việt.
Năm bổn phận chồng phải đối với vợ:
Phải biết tôn trọng vợ.
Không đối xử tệ bạc với vợ.
Phải chung thủy với vợ.
Phải giao tiền bạc cho vợ quản lý.
Phải sắm đồ nữ trang cho vợ khi có điều kiện.
Đồng thời đức Phật cũng dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với chồng:
Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.
Phải tử tế với quyến thuộc bên chồng.
Phải luôn chung thủy với chồng.
Giữ gìn tài sản gia đình.
Luôn siêng năng trong mọi việc.
Thực hiện tốt những điều này, nghĩa là vợ chồng đã hết lòng yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn luôn hòa thuận, cùng hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng thuận đã toát lên. Đó chính là ý nghĩa, giá trị lớn lao mà lễ Hằng Thuận mang lại.
Hiện nay, trong xã hội khá phổ biến tình trạng gia đình đổ vỡ sau thời gian thành hôn ngắn ngủi với nguyên do là các cặp vợ chồng tuy có tình yêu thương mà không có sự chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu bền. Sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp là do sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi đó là sự luyến ái nhau và cũng có thể gọi là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ. Vậy nên, bên cạnh việc giáo huấn về đạo lý vợ chồng, con cái và hướng dẫn Phật tử cách tu tập để có cuộc sống an lạc, Phật giáo có vai trò trợ duyên cho các gia đình Phật tử và phòng ngừa mọi nguy cơ có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đây cũng là việc làm cần thiết đầu tiên góp phần xây dựng xã hội Phật giáo an lạc được cấu thành từ tập hợp gia đình Phật tử.
Như vậy, có thể nói lễ Hằng thuận đã phát huy nền tảng trí tuệ, đạo đức tâm linh, định hướng con người sống thật sự hữu ích. Và tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình đặt trên nền tảng của Phật – Pháp – Tăng sẽ luôn bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau của ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp nhất.
Ảnh:
- - - - - - - -
Xem thêm: